KINH NGHIỆM TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN CỬA HÀNG CÀ PHÊ VÀ CÁCH TÍNH LƯƠNG THƯỞNG
Khách hàng sẽ lưu luyến lựa chọn ghé lại cửa hàng cà phê của bạn hay không, 80% phụ thuộc vào hương vị của thức uống, món ăn mà cửa hàng bạn phục vụ, 20% còn lại chính là phụ thuộc vào thái độ phục vụ, quy trình bán và chăm sóc khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cửa hàng. Bạn đã biết quy trình bán hàng cá nhân của một quán cà phê sẽ diễn ra như thế nào chưa? Hãy cùng Kem Đức Phát tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Kinh nghiệm khi tuyển dụng, đào tạo nhân viên
Để có được cho mình một đội ngũ nhân viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề thì người làm chủ cần nắm rõ các quy trình trong việc tuyển dụng cũng như các tiêu chí tuyển dụng từ nhân viên đến quản lý cửa hàng.
Bước đầu tiên trong quá trình tuyển dụng chính là lập kế hoạch tuyển dụng, chủ cửa hàng nên chuẩn bị cho mình hai trường hợp trong quá trình tuyển dụng đó là không tuyển đủ số lượng nhân viên theo tiêu chí đặt ra ban đầu và nhân viên sẽ không muốn gắn bó lâu dài sau 1 đến 2 tháng làm việc, lại phải tiếp tục đăng tin tuyển dụng mới.
Để tránh được những vấn đề bất cập như trên, chủ cửa hàng cần đặt ra cho mình một số câu hỏi đi kèm tiêu chí tuyển dụng như: Vị trí cần tuyển là gì? Yêu cầu cho vị trí đó? Mục đích tuyển dụng cho vị trí? Công việc chính xác cần làm là gì? Để khi nộp đơn ứng tuyển, ứng viên cũng sẽ phần nào hình dung ra được việc mình sẽ làm. Không gây mất thời gian cho đôi bên.
Bước thứ hai là tiến hành phỏng vấn sau khi đã nhận được đơn ứng tuyển. Hãy sắp xếp những cuộc phỏng vấn mang tính chuyên nghiệp có đầy đủ quy trình để người ứng tuyển nhận thấy được sự quan trọng của mình và cả công việc sắp tới. Người phỏng vấn cũng nên chuẩn bị cho mình những câu hỏi thu thập thông tin, xem xét phản ứng của ứng viên trong quá trình trao đổi.
Bước thứ ba, nếu ứng viên đã trúng tuyển, hãy gửi mail thông báo hoặc gọi điện thông báo trực tiếp. Hai lý do quan trọng trong việc thực hiện điều này, thứ nhất để xác nhận lại thời gian bắt đầu đi làm với ứng viên, thứ hai để ứng viên cảm thấy sự quan trọng của mình và cả của công việc sắp tới.
Khi bước vào giai đoạn tuyển dụng nhân viên cho cửa hàng của mình, với chức danh là một người chủ, bạn cần tham khảo qua Luật lao động thật kỹ để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất. Thông qua Luật lao động, bạn cũng có thể cho nhân viên của mình biết được mức lương cơ bản, đãi ngộ mà sắp tới họ sẽ được nhận khi làm việc cho cửa hàng của bạn. Khi nắm rõ về Luật lao động, việc soạn hợp đồng cũng sẽ không còn khó khăn, trong tương lai có thể tránh được những mâu thuẫn không đáng có xảy ra giữa hai bên.
Khi tuyển dụng cho bất kỳ một vị trí nào, chúng ta cần cân nhắc kỹ càng các tiêu chí đã đặt ra, xem xét ứng viên sẽ đáp ứng được bao nhiêu phần trăm. Không nên phỏng vấn quá nhanh, quá gấp gáp và thiếu tính chuyên nghiệp.
Trong quá trình phỏng vấn, hãy trao đổi rõ với ứng viên về những quy định về đồng phục, giờ giấc làm việc, giờ nghỉ ngơi hoặc phụ cấp hàng tháng (nếu có) để ứng viên có thể thấy sự rõ ràng, những lợi ích mình sẽ được nhận khi chấp nhận cống hiến cho cửa hàng này trong tương lai.
Trong quá trình đào tạo nhân viên, hãy nêu ra những nội quy rõ ràng, đi kèm theo đó sẽ có chế độ thưởng/phạt hợp lý khi làm tốt hoặc khi vi phạm để hai bên cùng có thể căn cứ vào nội quy để làm việc một cách rõ ràng.
Quy trình bán hàng của nhân viên cửa hàng cà phê
Ở bất kỳ một nơi làm việc nào, không riêng ở quán cà phê, nhân viên đều sẽ có những quy trình riêng biệt để bảo đảm có thể hoàn thành công việc đúng tiến độ cũng như có sự mạch lạc giữa các bạn nhân viên với nhau và với khách hàng. Dưới đây là quy trình của một nhân viên khi làm việc tại cửa hàng cà phê.
Chúng ta sẽ có quy trình gồm 4 bước cơ bản:
Bước 1: Nhận ca làm việc
Khi bước vào nhận ca, việc đầu tiên bạn cần chú ý là phải chấm công (nếu có) vì đây là quyền lợi của nhân viên, xác nhận nhân viên có mặt trong ca làm hay không. Nếu không chấm công đồng nghĩa với việc vắng mặt dù có đến nơi làm việc.
Bảo đảm đã chuẩn bị đủ đồng phục, tạp dề của cửa hàng, đi kèm đó là tác phong nhanh nhẹn, tóc tai gọn gàng. Trước khi vào làm việc, nhân viên cần gác lại cảm xúc cá nhân để tránh ảnh hưởng đến khách hàng và cả bản thân trong lúc làm việc.
Bước 2: Chuẩn bị vào làm việc lúc đầu giờ
Hãy bảo đảm đã chuẩn bị đủ mọi thứ khi chuẩn bị vào làm việc, kiểm tra xung quanh nơi mình làm việc xem đã được vệ sinh sạch sẽ hay chưa. Kiểm tra các dụng cụ, thiết bị có bị hư hỏng hay không để có thể báo cáo ngay với cấp trên và có biện pháp xử lý kịp thời.
Sắp xếp lại nơi làm việc ngay ngắn, gọn gàng. Sắp xếp bàn ghế, các vật dụng được đặt trên bàn (nếu có) một cách hợp lý, sạch đẹp, bàn ghế nên được kéo lại đúng nơi, ngay ngắn để làm tăng tính thẩm mỹ khi khách bước vào quán.
Đừng bỏ qua bước chuẩn bị đầu giờ bởi lúc này nhân viên sẽ phát hiện được những sai sót để kịp thời báo cáo và khắc phục.
Bước 3: Phục vụ khách hàng
Đối với từng cửa hàng sẽ có những quy trình khác nhau, tuy nhiên, khi thấy khách hàng bước vào quán, một cái gật đầu, một câu chào đi kèm một nụ cười niềm nở chính là điểm cộng rất lớn đấy.
Khi khách đã chọn được chỗ ngồi ưng ý, hãy mang nước lọc/menu/khăn….đến phục vụ ngay lập tức.
Nhận order từ khách bằng thái độ thân thiện, sau đó không quên kiểm tra số lượng cũng như các món khách đã order để tránh nhầm lẫn, sai sót trong quá trình pha chế.
Sau đó giao thông tin lại cho quầy pha chế, đừng quên thứ tự phục vụ thức uống sẽ được sắp xếp lần lượt như sau: người lớn tuổi > trẻ em > khách nữ > khách nam
Sau khi phục vụ đồ uống cho khách theo order, không quên chọn vị trí thích hợp để có thể mở rộng tầm nhìn, quan sát phòng trường hợp khách cần hỗ trợ hoặc gọi thanh toán.
Khi khách thanh toán, đưa bill thể hiện thái độ trân trọng, niềm nở. Nhận tiền thanh toán và chào khách, hẹn gặp lại cùng một nụ cười thật tươi để thể hiện tính chuyên nghiệp của nhân viên quán.
Bước 4: Kết thúc ca làm việc
Khi kết thúc giờ làm việc, nhân viên cần cẩn thận kiểm tra lại hóa đơn, các vật dụng trong khu vực mình làm việc.
Nhân viên làm ca cuối ngày sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp, sắp xếp, lau chùi bàn ghế.
Trước khi đóng cửa ra về nên kiểm tra thêm lần nữa các thiết bị điện, nước, các loại máy trong khu vực pha chế đã hoàn toàn ngưng hoạt động hết chưa để bảo đảm an toàn cho cửa hàng.
Chế độ lương, thưởng dành cho nhân viên
Hiện nay, mức sống tăng cao đồng nghĩa với việc thu nhập cá nhân cũng theo đó mà tăng cao. Theo như Kem Đức Phát nghiên cứu thì gần đây nhất, mức lương cơ bản dành cho nhân viên cửa hàng cà phê sẽ dao động trong khoảng từ 4.500.000 đến 5.500.000/tháng tùy vào khối lượng công việc, chức vụ sẽ đảm nhiệm.
Tuy nhiên đây chỉ là mức lương tham khảo, mỗi người chủ cửa hàng sẽ có cho mình một con số chính xác dựa vào quy mô kinh doanh, chi phí, doanh thu, lợi nhuận của mình.
Bên cạnh việc trả lương cho nhân viên, tiền thưởng cũng là một vấn đề sẽ khiến nhiều người chủ thắc mắc đúng không nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu các khoản thưởng cho nhân viên như sau:
Nhân lương: Trường hợp nhân lương sẽ xảy ra khi nhân viên sẽ phải làm việc trong các ngày theo Luật lao động là được phép nghỉ (Lễ, Tết….), cụ thể có hai cách lựa chọn để nhân viên đi làm: 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm. Lúc này số tiền lương theo luật sẽ được nhân lên đến 300% cộng thêm lương của ngày bình thường tức là sẽ nhân lên 4 lần.
Thưởng ngày Tết: Các khoản thưởng Tết thật ra là khoản thưởng không bắt buộc. Tuy nhiên có rất nhiều nơi sẽ áp dụng việc thưởng Tết như một cách tri ân đối với nhân viên đã cống hiến cho cửa hàng trong thời gian vừa qua, cũng là cách để tiếp thêm niềm vui, động lực cho nhân viên của mình. Nhưng nếu khoản thưởng này được ghi trong hợp đồng lao động và là thỏa thuận giữa hai bên thì đây chính là khoản tiền thưởng bắt buộc.
Trợ cấp/Phụ cấp: Đối với nhân viên ký Hợp đồng lao động chính thức từ 3 tháng trở lên sẽ được hưởng một khoản phụ cấp tương ứng với chức vụ, điều này sẽ được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Với nhân viên ký Hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì khoản phụ cấp sẽ được trao đổi và ghi rõ trong hợp đồng.
Cách tính lương cho nhân viên bình thường:
Lương tháng = Lương một tháng + Phụ cấp (nếu có) / tổng số ngày công trong tháng x tổng số ngày làm việc thực tế
Lương tuần = lương tháng *12 / 52.
Lương ngày = lương một tháng làm việc / số ngày làm việc trong tháng theo quy định (24 hoặc 26).
Lương giờ = lương một ngày làm việc / Số giờ làm việc theo quy định.
Cách tính lương cho nhân viên khi có thêm các khoản thưởng:
Lương khi có thưởng = tiền lương theo thời gian bình thường + khoản tiền thưởng.
Lương khi làm việc thêm giờ = lương thực lĩnh x 150% (có thể là 200% hoặc 300% tùy chủ cửa hàng quy định) x tổng số giờ làm thêm
Lương làm việc ban đêm = lương thực lĩnh x 130% x số giờ làm việc thêm vào ban đêm
Lương làm thêm giờ ban đêm = lương làm việc ban đêm x 150% hoặc 200% hoặc 300% tùy chủ cửa hàng thỏa thuận với nhân viên trong hợp đồng
Bài viết trên đây Kem Đức Phát đã tổng hợp cho các bạn quy trình của một nhân viên tại cửa hàng cà phê cũng như các kinh nghiệm trong quá trình tuyển dụng và cách tính lương theo thời điểm hiện hành của một nhân viên cửa hàng cà phê. Hy vọng bài viết này sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét